Câu hỏi:
Chào bác sỹ. Vợ tôi bị tiểu đường túyp 2, gần đây thỉnh thoảng sau khi đi tập thể dục về vợ tôi có dấu hiệu choáng váng, người run run, mệt lả và vã mồ hôi. Bác sỹ cho tôi hỏi đây có phải là dấu hiệu của hạ đường huyết không? Nếu đúng thì vợ tôi phải làm gì để khắc phục hạ đường huyết ạ?
Trả lời:
Chào bạn,
Ở người bệnh tiểu đường, ngoài nguy cơ bị tăng đường huyết, họ còn phải đối mặt với vấn đề về hạ đường huyết. Với các biểu hiện như bạn mô tả, khả năng cao vợ bạn đã bị hạ đường huyết do vận động tập thể dục quá mức.
Dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết
– Toát mồ hôi
– Bủn rủn chân tay
– Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt
– Cảm giác đói lả
– Mặt tái nhợt, mệt mỏi
Ngoài ra vợ của bạn có thể gặp một số các triệu chứng khác khác như mất tập trung,lo lắng, bồn chồn, ngủ gà gật, nói khó, buồn nôn, nôn, khát nước, có cử chỉ bất thường,… khi đường huyết bị xuống quá thấp.
Theo Giáo sư Thái Hồng Quang – Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, hạ đường huyết nếu được phát hiện kịp thời thì các xử trí rất đơn giản. Vợ bạn chỉ cần uống một cốc nước đường ấm, nửa ly nước ép, hoặc ăn 3 – 4 chiếc kẹo ngọt. Đa số các trường hợp sẽ thấy các dấu hiệu hạ đường huyết giảm sau khi lặp lại các bước này từ 1 – 2 lần (2 lần cách nhau 15 phút). Tuy nhiên, nếu vợ của bạn không thấy đỡ, điều này cho thấy đường huyết xuống quá thấp và cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ hỗ trợ.
Phòng ngừa hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường
Các biện pháp xử trí hạ đường huyết ở trên đây chỉ có hiệu quả tức thời. Quan trọng hơn, vợ của bạn cần phòng ngừa hiện tượng này tiếp tục xảy ra. Bởi lẽ theo GS Thái Hồng Quang, hạ đường huyết rất có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính nguy hiểm hơn cả tăng đường huyết.
Để phòng ngừa lượng đường huyết xuống thấp, bạn cần nhắc vợ sử dụng thuốc đúng thời điểm, đúng liều lượng, tránh bỏ bữa, luyện tập quá sức, xúc động mạnh, nên ăn thêm một bữa nhẹ trước khi đi tập thể dục. Vợ bạn nên mang theo kẹo, sô cô la hay đường miếng trong người, nhất là khi đi tập thể dục. Nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ thì hãy thử đường huyết ngay, nếu dưới mức 4.0 mmol/l có nghĩa là vợ bạn đã bị hạ đường huyết.
Trường hợp các triệu chứng hạ đường huyết thường xuyên xảy ra, vợ bạn cần đi tái khám để bác sĩ có thể xem xét để thay đổi thuốc uống hoặc giảm liều thuốc sử dụng.
Mong rằng qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ hơn về các triệu chứng choáng váng, người run run, mệt lả, vã mồ hôi có phải là bị hạ đường huyết không. Do đó, vợ của bạn không nên chủ quan và cần chủ động đến bác sĩ để thăm khám.
Mọi băn khoăn, thắc mắc về vấn đề hạ đường huyết thì để lại số điện thoại bên dưới, chúng tôi sẽ gọi lại để tư vấn cho bạn kỹ hơn nhé.